“Thuốc” giúp bổ phổi hậu COVID-19 chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất, các bài tập thở ngực, bài tập thở bụng... Chứ không có thuốc nào là bổ phổi hậu COVID-19, do đó người dân cần cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang...
Thuốc "bổ phổi" hậu COVID-19 được bán nhiều trên mạng. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Săn lùng thuốc "bổ phổi" hậu COVID-19
Sau khi khỏi COVID-19 được 10 ngày, chị Nguyễn Thu Hiền (Mỗ Lao, Hà Đông) vẫn bị những cơn ho không dứt dẫn đến mất ngủ, cổ họng sưng đau, người mệt mởi. Chị lo rằng đây là dấu hiệu tổn thương phổi sau khi mắc COVID-19.
Chị Hiền chia sẻ: "Sau khi âm tính được vài ngày, tôi đi làm trở lại nhưng những cơn ho vẫn dai dẳng, khiến tôi mệt mỏi. Nghe những người bạn đã từng bị F0 mách mua thuốc bổ phổi để phục hồi lại phổi, tôi đã tìm mua trên mạng được hàng "xách tay" Hàn Quốc về dùng".
Mới đây, gia đình chị Phạm Thị Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã chi hơn chục triệu để chữa bệnh COVID-19 cho cả nhà. Chị Hà cho biết, cả nhà bị mặc COVID-19 sau khi lây từ con gái lớn. Sau khi phát hiện cả nhà dương tính, chị khá lo lắng.
"Cả nhà mặc dù không có triệu chứng nặng, chỉ sổ mũi và đau họng, sốt nhẹ… Sau hơn 1 tuần điều trị thì âm tính. Tuy nhiên để phòng hậu COVID-19 như cảnh báo, tôi đã đặt mua thuốc bổ phổi cũng như các loại vitamin cho cả nhà uống", chị Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình sau khi âm tính với COVID-19 đã đi lùng những sản phẩm đông y phòng hậu COVID-19. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo anh Nam, các loại thuốc bổ chữa các triệu chứng hậu COVID-19 mà anh mua chủ yếu gồm các chất như: Sâm Hàn Quốc, yến đảo, xuyên tâm liên,…
"Sau vài ngày sử dụng tôi cũng thấy khá tốt khi cả gia đình ngủ sâu giấc hơn, tránh những lúc bị mất ngủ như khi vừa khỏi. Còn các tác dụng khác về sau của thuốc như nào thì tôi cũng không chắc nhưng hiện giờ thấy mọi người trong nhà ai cũng khỏe mạnh là yên tâm rồi", anh Nam cho biết.
Không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, chỉ cần search "thuốc bổ phổi" trên google, facebook…, người dùng có thể tìm được hàng chục loại thực phẩm chức năng có công dụng kể trên với nguồn gốc từ nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,.. Người bán hàng tự tin quảng cáo đây là thuốc "xịn" được các nước tiên tiến về y học tin dùng vì có tác dụng "bổ phổi", chữa được bệnh hậu COVID-19...
Thực phẩm chức năng bổ sung dư thừa sẽ gây hệ lụy cho sức khỏe
Thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa thì sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Hiện có nhiều người tin dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng vì cho rằng chúng an toàn và ít gây tác dụng phụ so với thuốc. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa thì sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Hiện đang tư vấn online cho các bệnh nhân, BS. Dương Văn Trung, bệnh viện Bưu điện chia sẻ, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang, là nơi trao đổi khí. Xơ phổi là 1 biến chứng hay gặp nhất của hậu COVID, là tình trạng các nhu mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi, nguyên nhân là do nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ.
Xơ phổi dẫn đến không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, gây nên khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động.
Sau COVID-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, hoặc sau 6 tháng, hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục...
"Qua những phân tích ở trên cho thấy, "Thuốc" giúp bổ phổi chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất, các bài tập thở ngực, bài tập thở bụng... Chứ không có thuốc nào là bổ phổi hậu COVID-19, do đó người dân cần cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang...", BS. Dương Văn Trung khuyên.
Theo các chuyên gia y tế, dù khỏi COVID-19, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ như có thể tập thở hàng ngày bằng cách hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Hoặc có thể tập thể dục hằng ngày như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh.
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng), người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn, vì vậy, cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Tăng cường rau xanh và hoa quả. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn.
Người mắc bệnh COVID-19 thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết…
Cuối cùng là người bệnh cần chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng việc ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.
Theo baochinhphu.vn
Xem bản tin gốc Báo Chính phủ tại đây