Cây khoai lang tên khoa học là Ipomoea batatas Lam thuộc họ Convolvulaceae, là cây lương thực quan trọng của nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Khoai lang là loại cây có củ sống quanh năm, được sử dụng rộng rãi làm thức ăn cho người, cho động vật và làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp.
Ảnh: Cây khoai lang
1. Thời vụ
Khoai lang có thể trồng được quanh năm nhưng thời vụ khoai lang thích ở để trồng là vụ đông từ tháng 9 - tháng 10; vụ Xuân từ tháng 2-3.
2. Làm đất
Trên vùng đất trồng màu, sau khi thu hoạch cây trồng trước, cần cày vùi toàn bộ cỏ dại và thân lá cây vụ trước.
Đối với đất ruộng, phải tranh thủ cày bừa ngay sau khi thu hoạch vụ trước. Trong trường hợp sau thu hoạch lúa đất còn ướt thì không nên bừa kỹ sẽ làm đất dễ bị quánh, cứng, giảm độ khổng khi đất khô.
Khi lên luống, gom những cục đất nhỏ vào giữa, để những cục to ra ngoàilên luống rộng 1,2 - 1,5m, cao 30 - 50cm.
Ảnh: Làm đất trồng khoai lang
3. Cách trồng
Chọn giống đoạn 1 và đoạn 2 của những dây mập, không sâu bệnh, hom giống cắt dài 30-35cm hoặc dùng hom bánh tẻ có 5-6 đốt. Cắt hom xong đem để rải nơi thoáng mát (không được để chất đống) từ 1-2 ngày trước khi trồng sẽ giúp hom nhanh ra rễ, nẩy chồi hơn.
Trồng nông nối liền nhau theo chiều dọc luống hay mỗi mét dài trồng 4-5 hom với khoảng cách trồng 18-22cm, đặt hom thẳng dọc luống, lấp đất sâu 5-6cm, chừa đoạn hom khoảng 5-10cm vươn lên trên mặt đất. Mật độ khoảng 40.000-42.000 hom/ha. Khi đặt dây cuộn hết các lá phía dưới lại quanh thân rồi vùi hết dưới đất, chỉ chừa phần ngọn 5-10cm vươn lên khỏi mặt đất sẽ hạn chế dây bị mất nhiều hơi nước và giúp dây nhanh bén rễ hồi xanh hơn, hầu hết các mắt mầm trên hom dây đều có khả năng ra củ. Sau trồng 3-5 ngày để đảm bảo có đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt ta nên tháo nước vào ngập luống sau đó tháo khô.
4. Bón phân
Lượng phân bón 1 ha như sau: Phân chuồng hoai mục 8-10 tấn/ha, Ure: 90-130 kg, lân: 170-235kg, kali: 130-150kg.
Cách bón: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân + 30% phân đạm + 20% phân kali. Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp với vun xới.
Bón thúc lần 1: Sau trồng 25-30 với lượng phân: 50% phân đạm + 30% phân kali, kết hợp với vun xới lần 1
Bón thúc lần 2: Tiến hành sau lần 1 từ 20-25 ngày, bón toàn bộ số phân còn lại kết hợp với vun xới lần 2.
Ảnh: Bón phân cho cây khoai lang
5. Chăm sóc
Trong 1 vụ chỉ nên vun xới kết hợp bón thúc 2 lần, không nên cuốc xới nhiều và cuốc xới muộn làm ảnh hưởng đến sự hình thành củ và tích lũy tinh bột trong củ. Trong trồng khoai lang có 2 công đọan quan trọng cần thực hiện là bấm ngọn và nhấc dây.
- Bấm ngọn khi dây đã dài khoảng 25cm (35-40 ngày sau trồng) để cho ra nhiều nhánh cấp 1 vừa để lấy nhiều đoạn giống đoạn 1 cung cấp cho sản xuất (giống đoạn 1 cho nhiều củ hơn giống đoạn 2), vừa giúp cho cây sinh trưởng thân lá nhanh trong thời gian đầu để tổng hợp được nhiều chất hữu nuôi củ tốt hơn.
- Nhấc dây cho đứt bớt rễ phụ tập trung dinh dưỡng nuôi củ lớn, thường công đoạn này thì khi dây bò ở rãnh nhiều hoặc sau các lần bón thúc dây sinh trưởng mạnh bò lan và ra rễ phụ nhiều thì ta nhấc dây để hạn chế rễ phụ và giúp cho dinh dưỡng tập trung ở rễ củ chính
Thường xuyên giữ ẩm cho các luống khoai đảm bảo độ ẩm luống đạt 70-80%. Không được để nước liên tục ở rãnh, vì độ ẩm quá lớn, cây khoai sẽ tập trung ra rễ mà không phát triển nhiều tia củ. Vào mùa khô, nên cho nước vào ngập 1/3-1/2 chiều cao luống để tưới cho khoai lang, thường tưới 2 lần lần 1: 40-45 ngày sau khi trồng và lần 2: 80-90 ngay sau khi trồng.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Bệnh bọ hà Là một trong những loại sâu gây lại khoai lang phổ biến, trong cách trồng khoai lang lấy củ, bà con cần nắm được cách phòng trừ để đạt năng suất cao. Cây khoai bị hà thường thấy trên bề mặt củ có nhiều lỗ thủng hình tròn, quả phình to, dị dạng.
Phòng trừ: chọn giống không bị bệnh, thường xuyên nhổ cỏ, xới xáo đất. Thu hoạch đúng thời điểm, sau khi thu cần cho ruộng ngập nước 24h. Có thể sử dụng các động vật bắt mồi như kiến, nhện, bọ chân chạy để diệt bọ hà. Hoặc dùng bẫy pheromone dẫn dụ giới tính. Luân canh với cây trồng khác như lúa, rau muống.
Sâu đục dây: Sâu đục dây và chui vào cuống củ làm cho thân phình to bị lignin hóa ở gốc tạo ra các khoang lấp đầy phân sau. Sâu đục dây ảnh hưởng nghiêm trọng ở thời kỳ hình thành củ. Dùng các biện pháp phòng tránh giống như bọ hà. Nếu phát hiện dây bị đục thì lấp đất, lấp kẽ nứt để chúng không thể chui lên.
Ngoài ra còn một số loại sâu gây ảnh hưởng như: bọ phấn trắng, sâu cuốn búp, sâu đục lá, sâu sa, bọ cánh cứng, mọt có sừng.
Bệnh thối đen khoai lang Bệnh sẽ tạo thành những vết thối lồi lõm ở gốc dây, củ, ngửi mùi giống đường đang lên men. Ít nhất hai năm nên luân canh với các cây trồng khác mà không phải ký chủ của bệnh.
7. Thu hoạch
Thời gian thu hoạch nên dựa vào đặc điểm của từng giống, vì nếu thu sớm quá củ sẽ không ngọt, thu muộn quá thì năng suất giảm. Bắt đầu thu hoạch vào thời điểm thân và lá vàng, rụng nhiều; Nhựa củ đặc, đen, mau khô. Củ khoai lang dễ nảy mầm nên sau khi thu hoạch, bà con cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.
Trên đây là tổng hợp đầy đủ, chi tiết nhất về cách trồng khoai lang cho năng suất cao. Củ khoai lang được ưa chuộng chế biến rất nhiều món hấp dẫn, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chúc bà con sớm thành công với kỹ thuật canh tác khoai lang củ.
Vũ Thị Thu Hiền - Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật