Khi biết đồi Tức Dụp, xã An Tức (Tri Tôn, An Giang) là bàn đạp tiến quân cho các trận đánh của quân ta, đêm 16, rạng sáng 17-11-1968, địch bắt đầu mở trận càn quét lớn vào đồi Tức Dụp, mở đầu cho trận đánh 128 ngày đêm đầy ác liệt.
Chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh An Giang tham quan, tìm hiểu về Khu di tích Chiến thắng đồi Tức Dụp.Trong suốt 128 ngày đêm, với những cuộc không kích, quân đội Mỹ đã ra sức oanh tạc, với hàng trăm vụ ném bom trút xuống đồi Tức Dụp và các vùng lân cận. Từng tốp máy bay B-52 ra sức rải bom chùm xuống ngọn đồi gây nên những trận bão lửa khủng khiếp. Sau 128 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không tương xứng, thiếu thốn mọi bề, các chiến sĩ cách mạng đã trụ vững tại đồi Tức Dụp. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.700 tên địch, bắn cháy 11 xe tăng, 2 máy bay phản lực, 4 trực thăng, 9 khẩu pháo 105mm...
Trận đánh 128 ngày đêm ác liệt với tinh thần bất khuất ấy được Trung ương Đảng ghi nhận bằng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững núi Tô”. Chiến thắng đồi Tức Dụp là một bước ngoặt đánh dấu sự lớn mạnh của LLVT tỉnh An Giang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết dựa vào địa hình hiểm trở và có tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao để đương đầu trực diện với địch.
Trong đoàn người đến dự Lễ kỷ niệm 55 năm Chiến thắng đồi Tức Dụp (25-3-1969 / 25-3-2024) có bà Ba Ngọc-tên thật là Nguyễn Thị Ngọc, cựu chiến binh xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang). Bà rưng rưng nước mắt hồi tưởng: “Hơn 50 năm trước, tôi là y tá, từng trực tiếp tham gia chiến đấu cùng đồng đội ở ngọn đồi này. Giờ đi ngang từng hang đá, gốc cây, bao nhiêu ký ức thời bom đạn như ùa về. Đạn bom Mỹ-ngụy đánh phá rất ác liệt, bộ đội bị thương và hy sinh rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đánh trả và giành chiến thắng”.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh An Giang tham quan, tìm hiểu về Khu di tích Chiến thắng đồi Tức Dụp.
Ông Nguyễn Văn Lến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tri Tôn cho biết: “Một cuộc chiến cam go giữa 200 cán bộ, chiến sĩ cách mạng đương đầu với hơn 18.000 tên địch cùng trang bị vũ khí hiện đại. Đã hơn nửa thế kỷ nhưng những ký ức hào hùng về đồi Tức Dụp vẫn còn âm vang. Tên tuổi của các anh hùng: Trần Thanh Quế, Lê Thanh Cư, Trần Trường Sơn... tại đồi Tức Dụp sẽ mãi sáng chói cùng sử sách”.
Là thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của quê hương anh hùng, đồng chí Lê Thị Huyền Trang, Phó bí thư Huyện đoàn Tri Tôn xúc động bộc bạch: “Hiểu được giá trị to lớn của hòa bình, chúng tôi càng thêm trân trọng, biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Với trách nhiệm của tuổi trẻ, tôi xin hứa sẽ phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, thi đua thực hiện những công trình, phần việc, góp một phần công sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tri Tôn có nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến”.
Hiện nay, Khu di tích Chiến thắng đồi Tức Dụp đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tỉnh An Giang đang tiến hành lập dự án quy hoạch tổng thể khu di tích bao gồm các điểm dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ, tượng đài... phục vụ tốt khách tham quan, du lịch.
Bài và ảnh: HỮU ĐẶNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.