Ung thư hạch bạch huyết hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện sớm và khả năng người bệnh đáp ứng tốt các liệu pháp. Một số phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết phổ biến hiện nay gồm hóa trị, xạ trị. Ngoài ra một số phương thức điều trị mới như liệu pháp miễn dịch, ghép tế bào gốc… cũng được áp dụng trong điều trị u lympho.
Ung thư hạch bạch huyết có chữa được không?
Khi nhận được chẩn đoán mắc ung thư hạch, người bệnh lo lắng và đặt câu hỏi: Ung thư hạch bạch huyết có chữa khỏi không?
Phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và loại ung thư hạch, các bác sĩ có thể đưa ra các tiên lượng nhất định. Nhìn chung một số loại ung thư hạch có thể điều trị được và khả năng chữa khỏi cao, kéo dài sự sống cho bệnh nhân nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân mắc ung thư hạch Hodgkin giai đoạn 1 là 91%, đối với giai đoạn 4 là 81%. (1)
Đối với bệnh nhân mắc ung thư hạch không Hodgkin, tiên lượng có phần kém khả quan so với u lympho Hodgkin. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân u lympho không Hodgkin là 74% (thống kê SEER từ năm 2013 - 2019), sau 10 năm khoảng 57%.
Thực tế các thống kê tỷ lệ sống còn chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên thăm khám trực tiếp bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được kiểm tra tổng trạng sức khỏe, bệnh lý. Căn cứ vào các kết quả chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về hướng điều trị và tiên lượng sống còn.
7 phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết phổ biến
Lựa chọn các phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn bệnh, loại bệnh, tính chất sinh học phân tử, vị trí biểu hiện (hạch, hệ thần kinh trung ương, đường tiêu hóa,…), tổng trạng sức khỏe của người bệnh. (2)
1. Phẫu thuật
Đối với ung thư hạch bạch huyết, phương pháp phẫu thuật thường chỉ được áp dụng để lấy mẫu sinh thiết nhằm chẩn đoán giai đoạn và loại ung thư. Chỉ định phẫu thuật hiếm khi được dùng trong điều trị ung thư hạch.
Để điều trị ung thư hạch bạch huyết giới hạn ở một khu vực nhất định, bác sĩ thường ưu tiên phương pháp xạ trị.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng dòng năng lượng cao bức xạ ion hóa nhằm tiêu diệt cấu trúc ung thư và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Đối với bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết giai đoạn đầu, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị ở một bộ phận của cơ thể.
Quá trình xạ trị ung thư không đau đớn, tuy nhiên chúng gây ra các tác dụng phụ cho người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quá trình điều trị. Một số tác dụng phụ phổ biến do xạ trị gồm: (3)
- Buồn nôn, nôn;
- Mệt mỏi;
- Khô rát miệng;
- Ăn không ngon miệng;
- Rụng tóc;
- Da sẫm màu vùng xạ trị;
- Nguy cơ vô sinh.
3. Hóa trị
Phương pháp hóa trị sử dụng thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc uống trực tiếp để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy thuộc vào tính chất, giai đoạn ung thư, các bác sĩ sẽ chỉ định chuyên biệt phù hợp với tiến triển bệnh.
Nếu xác định người bệnh mắc ung thư hạch bạch huyết có thể điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định hóa chất truyền tĩnh mạch để thuốc tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu phát hiện vào giai đoạn muộn hoặc tiên lượng khó điều trị khỏi, phương pháp chăm sóc giảm nhẹ có tác dụng giảm thiểu các cơn đau mà triệu chứng ung thư mang đến cho người bệnh.
Hóa trị có thể ảnh hưởng đến tủy xương của người bệnh, gây cản trở hoạt động sản xuất các tế bào khỏe mạnh. Ngoài ra một số tác dụng phụ của phương pháp hóa trị bao gồm:
- Khó thở;
- Mệt mỏi;
- Dễ bị nhiễm trùng;
- Dễ chảy máu và bầm tím;
- Buồn nôn, nôn;
- Tiêu chảy;
- Viêm da;
- Rụng tóc;
- Có nguy cơ gây vô sinh.
Nếu hóa trị không đạt hiệu quả mong muốn hoặc ung thư hạch bạch huyết tái phát, các bác sĩ có thể tiến hành hóa trị liều cao hơn. Tuy nhiên, các hóa trị liều cao có thể ảnh hưởng đến tủy xương, tác động trực tiếp đến hoạt động tái tạo máu. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép tạng để thay thế cho tủy xương bị tổn thương.
4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch (kháng thể đơn dòng) được chỉ định trong điều trị ung thư hạch bạch huyết. Cơ chế hoạt động loại thuốc này tự gắn vào tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư, đồng thời “thông báo” đến hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết sự xuất hiện của tế bào ngoại lai, tế bào xấu để chúng tấn công, tiêu diệt. Sau quá trình điều trị, các tế bào khỏe mạnh sẽ trở lại bình thường. (4)
Tùy thuộc vào tình trạng cơ thể, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị ung thư hạch bằng liệu pháp miễn dịch đơn thuần hoặc kết hợp các phương pháp hóa trị liệu nhằm tăng hiệu quả điều trị.
Đối với bệnh nhân ung thư hạch không Hodgkin, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng thể đơn dòng tối đa 2 năm sau lần điều trị đầu tiên, kết hợp với hóa trị. Phương pháp này được cho hạn chế nguy cơ ung thư hạch quay trở lại.
Rituximab, brentuximab vedotin và pembrolizumab là thuốc kháng thể đơn dòng được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư hạch bạch huyết bằng liệu pháp miễn dịch. Đây là loại thuốc được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Một số tác dụng phụ có thể xảy đến như buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi đêm, phát ban, rụng tóc,… Nếu xuất hiện các tác dụng phụ, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để cải thiện tình trạng.
5. Ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư hạch
Ghép tế bào gốc hay còn gọi là ghép tủy xương thường được chỉ định đi kèm với các phương pháp hóa trị đồng thời, đôi khi là với xạ trị.
Quá trình ghép tế bào gốc bắt đầu bằng việc hóa trị liều cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời phá hủy các tế bào lành trong tủy xương của người bệnh. Sau đó cấy các tế bào gốc vào tủy xương nhằm tạo ra các tế bào máu mới. Hai loại cấy ghép tế bào gốc phổ biến gồm cấy tế bào tự thân (sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh) và tế bào gốc từ người hiến tặng (thường là người thân). (5)
Có 2 loại cấy ghép tế bào gốc, gồm:
- Cấy ghép tế bào gốc tự thân: Đây là phương pháp sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh. Các tế bào được thu thập vài tuần và được trữ đông trước khi áp dụng các phương pháp điều trị ung thư. Sau khi bệnh nhân hoàn thành hóa trị hoặc xạ trị, tế bào gốc được đưa lại vào máu của người bệnh bằng đường truyền tĩnh mạch. Sử dụng tế bào gốc của người bệnh đôi khi không phải là giải pháp tối ưu nếu ung thư hạch bạch huyết đã lan đến tủy xương hoặc máu.
- Cấy ghép tế bào gốc đồng loại: Phương pháp này thường dùng các tế bào gốc của người hiến tặng (đa phần là người thân trong gia đình). Mô của người hiến tặng phải tương thích với bệnh nhân nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ biến chứng khi cấy ghép.
Ghép tế bào gốc là giải pháp giúp hồi phục tủy xương sau quá trình hóa trị liều cao cho bệnh nhân ung thư hạch. Phương pháp này đôi khi được chỉ định nhằm thuyên giảm các cơn đau hoặc ung thư tái phát.
6. Theo dõi đánh giá
Sau khi hoàn thành các đợt điều trị, người bệnh được siêu âm lại hoặc chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân để đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị. (6)
Sau đó, người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục cũng như sớm phát hiện nguy cơ ung thư quay trở lại. Tần suất các cuộc tái khám có thể diễn ra vài tuần hoặc vài tháng một lần. Nếu các kết quả điều trị tích cực, tần suất tái khám sẽ ít hơn.
7. Chăm sóc giảm nhẹ
Bất kỳ giai đoạn nào của ung thư, người bệnh cũng cần được điều trị giảm nhẹ các triệu chứng nhằm đảm bảo sức khỏe tiếp tục theo đuổi kế hoạch điều trị. Đây được gọi là chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư. Các chương trình điều trị giảm nhẹ tập trung vào yếu tố dinh dưỡng, tinh thần của người bệnh. Do vậy các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ có thể thực hiện đồng thời với quá trình điều trị ung thư, hoặc cũng áp dụng khi các phương pháp điều trị ung thư không còn hiệu quả, tiên lượng xấu với bệnh nhân ung thư.
Việc sử dụng các thuốc hỗ trợ giảm đau khi điều trị ung thư có thể kèm theo một số tác dụng phụ. Bạn có thể liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và theo dõi các triệu chứng bất thường nhằm kiểm soát hoặc giảm bớt các triệu chứng.
Tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết
Một số tác dụng phụ trong điều trị ung thư hạch bạch huyết phổ biến như:
- Các vấn đề liên quan đến máu: số lượng bạch cầu/hồng cầu/tiểu cầu thấp gây chảy máu, thiếu máu, thường xuất hiện vết bầm tím, đi kèm sốt, nhiễm trùng, các cục máu đông…
- Hệ thống tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, bí tiểu, tiểu không tự chủ.
- Hệ thần kinh: các cơn co giật, bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Ăn uống: chán ăn, khó nuốt, sụt cân nhanh, thay đổi vị giác và khứu giác, buồn nôn, nôn, lở loét miệng, mất nước, nấc cụt…
- Da, tóc: rụng tóc, khô da, ngứa ngáy, phát ban, sạm da, bốc hỏa, vã mồ hôi.
- Sức khỏe tinh thần: thường xuyên lo lắng, phiền muộn, có thể dẫn đến trầm cảm.
- Sức khỏe sinh sản: nguy cơ vô sinh cao.
- Các triệu chứng khác: sưng tấy, phù nề, cổ trướng, phù bạch huyết.
Lựa chọn điều trị ung thư hạch bạch huyết
Việc áp dụng phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tuổi tác của người bệnh;
- Loại ung thư hạch bạch huyết;
- Giai đoạn phát triển của bệnh;
- Thể trạng sức khỏe của người bệnh;
- Khả năng đáp ứng điều trị.
Chăm sóc người bệnh điều trị ung thư hạch bạch huyết
Quá trình điều trị ung thư hạch bạch huyết có thể gây nên các tác dụng phụ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Họ có thể mắc các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy… Gia đình nên chuẩn bị thực đơn dinh dưỡng hỗ trợ người bệnh nâng cao thể trạng, tiếp tục đáp ứng các phương pháp điều trị.
1. Chế độ dinh dưỡng
Xây dựng chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị ung thư ở người bệnh, góp phần nâng cao thể trạng để bệnh nhân có thêm năng lượng, tinh thần chiến đấu chống lại bệnh tật. Do đó mục tiêu điều trị ung thư luôn chú trọng yếu tố tiêu diệt tế bào ung thư và đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hạch bạch huyết cần lưu ý:
- Cung cấp đầy đủ các chất: chất đạm (protein), chất béo (lipid), tinh bột (glucid)
- Bổ sung vitamin, khoáng chất trong rau xanh, trái cây tươi, đặc biệt là canxi, vitamin D, photpho có trong thịt, cá, tôm, cua đồng, trứng, sữa, bơ, súp lơ…
- Hạn chế muối, chỉ dùng dưới 6g muối/ngày do muối làm giữ nước, gây phù.
- Tránh bia rượu, đồ uống có cồn bởi có thể gia tăng áp lực làm việc cho gan. Sau khi ghép tủy xương, chức năng gan của người bệnh có thể suy giảm do tác động của hóa trị liều cao.
- Uống nhiều nước, duy trì 2-2,5l/ngày.
- Chia bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, 6-8 bữa/ngày
- Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra bệnh nhân trong thời gian điều trị có hệ miễn dịch suy giảm, vì thế cần đảm bảo nguồn thực phẩm phải an toàn, nấu chín, uống sôi; không nên ăn các loại rau sống, tái, chưa qua tiệt trùng (sữa). Trước khi chế biến đồ ăn cần vệ sinh sạch sẽ tay và các loại dụng cụ nhà bếp để ngăn chặn nguồn lây bệnh.
2. Duy trì môi trường sống tích cực, lành mạnh
Bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ, người bệnh ung thư và thân nhân cần chú ý dự phòng lây nhiễm các bệnh lý khác như cảm cúm, viêm nhiễm do sức đề kháng của người bệnh ung thư không tốt như người bình thường, họ có thể gặp biến chứng hoặc triệu chứng nặng hơn người khác.
Người bệnh và gia đình cần chú ý:
- Hạn chế tiếp xúc khu vực đông người, đặc biệt với những người có biểu hiện cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp…
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, lưu thông không khí.
- Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp vệ sinh không gian sống.
- Hạn chế nuôi và tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng, chim cảnh để giảm nguy cơ tiếp xúc nguồn vi trùng.
Theo dõi sau điều trị ung thư hạch bạch huyết
Nguy cơ ung thư hạch bạch huyết tái phát cao ở những bệnh nhân không thể thực hiện hoặc thực hiện cấy ghép tế bào thất bại. Nhìn chung, bệnh nhân càng lớn tuổi, khả năng biến chứng sau cấy ghép tế bào gốc càng cao.
Mặc dù ung thư hạch bạch huyết có khả năng điều trị thành công rất cao, người bệnh vẫn cần theo dõi và tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị… cũng có thể mang đến các biến chứng muộn. Sau 10 năm, người bệnh có nguy cơ đối mặt với rối loạn sinh tủy hoặc bệnh bạch cầu cấp do sự tổn thương tủy trong quá trình điều trị. Ngoài ra, ung thư thứ phát cũng có thể xảy ra đối với các bệnh nhân được xạ trị vùng ngực, bụng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị ung thư hạch bạch huyết tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin:
Trên đây là tổng hợp một số phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết hiện nay. Để biết chính xác thông tin điều trị phù hợp với tình trạng, diễn biến bệnh, người bệnh cần trực tiếp trao đổi với bác sĩ điều trị và tuân theo phác đồ bác sĩ đã chỉ định.