Vaccine tạo hệ thống phòng vệ tự nhiên cho cơ thể, bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút hoặc vi khuẩn gây bệnh. Vậy vaccine có an toàn không? An toàn như thế nào? Yếu tố nào ảnh hưởng đến tính an toàn của vaccine? Thông tin sẽ được cập nhật đầy đủ, chi tiết trong bài viết dưới đây.
ThS. Nguyễn Diệu Thúy - Chuyên viên Y khoa - Hệ thống tiêm chủng VNVC: “Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, vaccine đã ngăn ngừa hơn 4 triệu ca tử vong hàng năm do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Vaccine là phát minh vĩ đại của nhân loại, cứu sống và bảo vệ sức khoẻ, bình yên và hạnh phúc của con người trước nhiều bệnh nguy hiểm. Hiện nay Việt Nam đang có hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm, dành cho trẻ em và người lớn”.Những điều bạn cần biết về vaccine
1. Vắc xin là gì? Có bao nhiêu loại?
Vaccine là một chế phẩm sinh học đặc biệt được sử dụng để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra hàng rào bảo vệ giúp chống lại các loại virus, vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác. Vaccine chứa các vi trùng bị chết hoặc đã suy yếu, chúng không gây bệnh mà sẽ tác động lên hệ thống miễn dịch, tạo ra kháng thể một cách tự nhiên để chống lại bệnh tật.
Có nhiều loại vaccine khác nhau, mỗi loại được bào chế theo nguyên lý riêng biệt để giúp hệ miễn dịch chống lại vi trùng nhất định, ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm:
- Vaccine bất hoạt: có thành phần là các vi trùng gây bệnh đã bị tiêu diệt, được sử dụng để ngừa các bệnh viêm gan A, bệnh cúm, bệnh dại,…
- Vaccine RNA thông tin (mRNA): tạo ra Protein kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó chống lại tác nhân gây bệnh. Loại vaccine mRNA được sử dụng để chống lại Covid-19.
- Vaccine giảm độc lực: được sản xuất từ vi trùng đã bị suy yếu (giảm độc lực) giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, lâu dài. Loại vaccine này được sử dụng để ngăn ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella (Vaccine phối hợp MMR), Rotavirus, bệnh đậu mùa,…
- Vaccine tái tổ hợp: sử dụng thành phần cụ thể của vi trùng để sản xuất vaccine, tạo ra phản ứng miễn dịch rất mạnh khi đưa vào cơ thể. Loại vaccine này được sử dụng để chống lại các bệnh: viêm gan B, ho gà, HPV, viêm màng não cầu khuẩn,…
- Vaccine giải độc: được sản xuất bằng cách sử dụng độc tố có trong mầm bệnh để kích thích phản ứng miễn dịch nhắm vào độc tố thay vì toàn bộ mầm bệnh. Loại vaccine này được sản xuất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván,…
- Vaccine vector virus: Sử dụng phiên bản sửa đổi của một loại virus gây bệnh khác để làm vectơ, từ đó mang đến khả năng bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh, ngăn ngừa bệnh sốt rét, cúm, covid 19,…
2. Cơ chế phòng bệnh của vắc xin như thế nào?
Khi tiêm Vaccine, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích thích, tạo ra kháng thể một cách tự nhiên để chống lại virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Cơ thể sau đó sẽ ghi nhớ cách chống lại các vi trùng này để trong tương lai, nếu cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh thực sự, hệ thống miễn dịch sẽ tiêu diệt chúng một cách nhanh chóng trước khi virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
⇒ Mời bạn tìm hiểu sâu hơn về: Cơ chế hoạt động của vắc xin.
3. Quy trình phát triển 1 loại vắc xin tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt nào để đảm bảo an toàn?
Quy trình phát triển Vaccine cần được tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Các bước trong quy trình sản xuất vaccine an toàn bao gồm:
- Nghiên cứu phát triển vaccine: Việc phát triển, nghiên cứu vaccine được thực hiện kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm.
- Thử nghiệm trên động vật nhỏ (chuột): Trong giai đoạn này, vaccine có thể được điều chỉnh để mang lại hiệu quả tốt hơn.
- Thử nghiệm lâm sàng: Bao gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: thử nghiệm trên nhóm 20-100 người.
- Giai đoạn 2: thử nghiệm trên nhóm 100-300 người.
- Giai đoạn 3: thử nghiệm trên nhóm 1000-3000 người.
- Giai đoạn 4: thử nghiệm rộng rãi để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Vaccine trong thời gian dài.
- Quy trình sản xuất: Được giám sát nghiêm ngặt bởi cơ quan quản lý quốc gia để đảm bảo tính nhất quán của các lô Vaccine.
- Phê duyệt Vaccine: Cơ quan quản lý quốc gia sẽ đánh giá, đưa quyết định xem Vaccine có được đưa vào chương trình tiêm chủng của quốc gia đó hay không.
- Giám sát an toàn sau khi phê duyệt: Ở cấp độ toàn cầu, WHO và UNICEF hỗ trợ thu thập, giám sát và cập nhật thông tin mới nhất về Vaccine.
Vaccine có an toàn không?
Vaccine rất an toàn. Trước khi được sử dụng, mỗi loại Vaccine đều phải trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt về tính an toàn và tính hiệu quả. Quy trình này bao gồm các thử nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng không chỉ hiệu quả trong việc kích thích miễn dịch mà còn an toàn cho sức khỏe của người tiêm.
Sau khi Vaccine được phê duyệt và sử dụng, Vaccine vẫn thường xuyên được kiểm tra, đánh giá lại dựa trên thông tin được cung cấp từ nhiều nguồn. Bất kỳ loại Vaccine nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn sẽ không được phê duyệt và không được phân phối cho cộng đồng. [1]
1. Vaccine ít tác dụng phụ hơn rất nhiều so với bệnh tật
Theo các chuyên gia, tác dụng phụ hay phản ứng phụ sau khi tiêm Vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đáp ứng miễn dịch của cơ thể, thành phần có trong của Vaccine, quy trình vận chuyển, nhiệt độ bảo quản, cách tiêm, chăm sóc sau tiêm (tại cơ sở y tế và tại nhà)… Tuy nhiên những thành tựu và hiệu quả của Vaccine mang lại lớn hơn rất nhiều so với các phản ứng có thể xảy ra. [2]
Vaccine thường gây ra ít tác dụng phụ hơn rất nhiều so với những biến chứng nặng nề của bệnh tật mà chúng đã ngăn chặn. Điều này được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu và thống kê trên toàn cầu. Thông thường khi tiêm Vaccine, người được tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng nhẹ nhàng, không đáng lo như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi tạm thời,… Trong khi đó, có nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nếu không phòng ngừa bằng Vaccine, người bệnh có thể tiến triển nặng nhanh chóng viêm não/màng não, mù lòa, điếc, liệt, tàn tật, thiểu năng trí tuệ, tử vong,…
Hiện nay, đã có Vaccine phòng ngừa gần 50 căn bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo tổ chức WHO, tiêm chủng Vaccine đã giúp ngăn ngừa hơn 4 triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, cúm.
2. Những phản ứng sau tiêm thường gặp
Giống như tất cả các loại Vaccine/ thuốc khi được đưa vào cơ thể để chống lại virus/vi khuẩn, người được tiêm chủng có khả năng gặp phải các phản ứng sau tiêm tại chỗ hoặc toàn thân, thường nhẹ không đáng lo và sẽ nhanh khỏi như:
- Vùng tiêm có màu đỏ, sưng tấy nhẹ, cảm giác hơi đau trong thời gian khoảng 2-3 ngày sau tiêm.
- Cơ thể mệt mỏi, có thể bị sốt trong 1-2 ngày đầu sau tiêm.
- Nhức đầu, mỏi cơ hoặc có các triệu chứng như bệnh cúm mùa.
- Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, khó chịu sau tiêm.
Đây đều là những phản ứng phụ thường gặp và sẽ nhanh chóng hết sau vài ngày, hoàn toàn không gây nguy hiểm cho người tiêm. Người được tiêm chủng cần tuân thủ nguyên tắc theo dõi các phản ứng sau tiêm tại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 48-72 giờ.
3. Các phản ứng sau tiêm nặng và hiếm gặp
Các phản ứng nặng rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra như phản ứng phản vệ, nhiễm độc, co giật do sốt cao. Lúc này, bệnh nhân cần được xử trí tại chỗ đúng cách và đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra trong 72 giờ tại nhà do đó cần theo dõi sức khoẻ chặt chẽ. Các phản ứng nặng thông thường gồm:
- Sốc phản vệ: Mẩn ngứa, co giật, nghẹt thở, tụt huyết áp không đo được, hôn mê,…
- Phản ứng quá cấp mãn tính: Thở khò khè, ngắn quãng do co thắt, phù nề thanh quản, phù nề mặt, phù nề toàn thân,…
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của vắc xin
Tiêm vaccine có an toàn không phụ thuộc vào các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm: tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng, điều kiện tiêm chủng đảm bảo và điều kiện bảo quản, vận chuyển Vaccine.
1. Tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng
Trước khi tiêm vaccine, quá trình kiểm tra sức khỏe sàng lọc cần được thực hiện để đảm bảo người được tiêm không có vấn đề về sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ gây phản ứng phụ sau tiêm. Theo đó, người tiêm sẽ được hỏi tiền sử, các thông tin sức khỏe, bệnh lý có liên quan, đánh giá tình trạng sức khỏe bằng cách kiểm tra thân nhiệt, nhịp tim,…
2. Điều kiện tiêm chủng đảm bảo
Việc tiêm chủng phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị và kỹ thuật tiêm chính xác. Bên cạnh đó, quy trình tiêm phải tuân thủ các hướng dẫn về tiêm chủng an toàn, bao gồm: vệ sinh tay và vùng tiêm, sử dụng kim tiêm mới, được kiểm tra Vaccine trước khi tiêm.
VNVC là hệ thống trung tâm tiêm chủng uy tín tại Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt quy trình an toàn tiêm chủng, tiên phong sáng tạo quy trình tiêm an toàn 4 bước của Bộ Y tế lên 8 bước chặt chẽ, an toàn và khép kín. Toàn bộ quá trình khám sàng lọc, đánh giá sức khoẻ, quá trình đối chiếu Vaccine, kiểm tra Vaccine và tiêm Vaccine đều được thực hiện với sự giám sát trực tiếp của khách hàng.
3. Điều kiện bảo quản và vận chuyển vắc xin
Vaccine là chế phẩm sinh học vô cùng nhạy cảm, nếu bảo quản sai hoặc vận chuyển không đúng tiêu chuẩn, Vaccine có thể hỏng hóc gây ra các phản ứng ngược, ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí tính mạng của người sử dụng.
Đa số các loại Vaccine đều được yêu cầu bảo quản trong điều kiện tối ưu của nhà sản xuất là từ 2-8 độ C. Các điều kiện bảo quản và vận chuyển cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế và cần có hệ thống giám sát liên tục, đạt điều kiện bảo quản GSP và điều kiện vận chuyển GDP để bảo toàn tính nguyên vẹn và an toàn đến khi được đưa vào sử dụng.
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đầu tư lớn cho hàng trăm kho lạnh bảo quản Vaccine đạt chuẩn GSP và hệ thống bảo quản lạnh Cold Chain tại tất cả các trung tâm trên toàn quốc.
Tại mỗi phòng tiêm, VNVC đầu tư tủ bảo quản vaccine chuyên dụng với hệ thống bảo quản nhiệt độ đồng bộ với nhiệt kế tự ghi và camera giám sát giúp giảm thiểu rủi ro từ sự cố điện hoặc lỗi từ thiết bị gây ảnh hưởng đến chất lượng vaccine. Bên cạnh đó, VNVC cũng sở hữu hệ thống xe lạnh vận chuyển Vaccine đạt chuẩn GSP và GDP, chủ động cho việc cấp phát Vaccine trên khắp mọi miền trong điều kiện an toàn tuyệt đối.
⇒ Hãy xem thêm: An toàn tiêm chủng: Cách thực hiện đúng và đầy đủ.
Một số câu hỏi liên quan đến vắc xin có an toàn không?
1. Tiêm cùng lúc nhiều loại vắc xin có an toàn không?
Tiêm cùng lúc nhiều loại vaccine trong một lần là an toàn. Nhiều chuyên gia cho biết, việc tiêm nhiều loại vaccine trong một lần giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh khác nhau sớm nhất. Các kháng nguyên có trong vaccine chỉ chiếm một phần nhỏ so với những gì mà cơ thể gặp phải hằng ngày một cách tự nhiên. Do vậy, không có nguy cơ nào khiến hệ miễn dịch bị quá tải khi nhận cùng lúc nhiều loại Vaccine.
2. Vaccine có an toàn cho phụ nữ mang thai, người lớn tuổi không?
Vaccine an toàn với phụ nữ có thai, người lớn tuổi. Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ tại từng thời điểm mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại Vaccine phù hợp cho phụ nữ mang thai hoặc người lớn tuổi. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm các loại Vaccine cơ bản trong suốt thai kỳ như cúm, uốn ván, ho gà - bạch hầu - uốn ván, trong khi đó người lớn tuổi được chỉ định tiêm nhiều loại Vaccine hơn để tăng cường miễn dịch phòng ngừa các bệnh lý tuổi già như cúm, viêm phổi, các bệnh viêm gan…
3. Các vắc xin công nghệ mới ngày nay có an toàn hơn so với vắc xin trước đây?
Vắc-xin sử dụng công nghệ mới đã được chứng minh là rất hiệu quả và an toàn trong việc bảo vệ người tiêm chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, dù vaccine mới cho phép sản xuất vaccine nhanh chóng và linh hoạt, phản ứng nhanh hơn với dịch bệnh mới nhưng tất cả đều phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cao nhất trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
4. Vắc xin có an toàn cho người mắc bệnh mãn tính không?
Đối với những loại vaccine phòng bệnh cơ bản như cúm, uốn ván,… thường rất an toàn với người mắc bệnh mãn tính. Trong nhiều trường hợp, việc tiêm Vaccine phòng bệnh giúp bảo vệ sức khỏe của người mắc bệnh mãn tính khỏi các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên tất cả những người mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng đồng thời trao đổi rõ ràng tình trạng sức khoẻ, tình hình bệnh sử với bác sĩ để chỉ định Vaccine phù hợp.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: vaccine có an toàn không? Mặc dù có thể gặp phản ứng phụ sau tiêm nhưng lợi ích của việc sử dụng vaccine lớn hơn và được coi là an toàn khi được sử dụng theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế.
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC với hàng trăm trung tâm trên toàn quốc cung ứng hơn 40 loại Vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn, đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, Vaccine bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế. VNVC đã tạo dựng được uy tín, sự tin tưởng và yêu quý sử dụng dịch vụ của hàng chục triệu khách hàng trong nhiều năm nay. Liên hệ ngay với VNVC qua hotline 028 7102 6595 để được tư vấn, đặt lịch tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.